Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân trong công tác Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai
Lượt xem: 906
Tư tưởng về đối ngoại Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam và truyền thống ngoại giao của ông cha ta. Đó là nền văn hóa, nền ngoại giao yêu nước, vì dân, vì chính nghĩa và hòa bình, hòa hiếu, nhân đạo; giữ nguyên tắc độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân đồng thời lại linh hoạt, khôn khéo trong từng điều kiện, thời điểm để tạo thời cơ, giành thời cơ làm nên thắng lợi.

Đối ngoại Nhân dân được coi là hình thức ngoại giao đặc sắc của Việt Nam, hình thức đối ngoại này được xuất hiện từ những năm 20, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đang hoạt động tại Pháp; lúc đó hoạt động đối ngoại Nhân dân là vận động quốc tế và Người đã nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác quan trọng này để đặt đúng vị trí của công tác đối ngoại Nhân dân vào tổng thể lý luận và thực tiễn để vận động được nhân dân thế giới ủng hộ, đoàn kết với nhân dân ta chống Pháp và đặc biệt là đã hình thành một mặt trận nhân dân thế giới rộng khắp ủng hộ nhân dân ta chống Mỹ cứu nước. Đối ngoại Nhân dân cũng tạo điều kiện mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, tạo vị thế vững chắc, không lệ thuộc bên ngoài, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng về đối ngoại Nhân dân của Người cũng dựa trên tinh hoa văn hóa, văn minh của toàn nhân loại. Đặc biệt, Người đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê Nin, coi vai trò của nhân dân làm ra lịch sử các dân tộc và lịch sử thế giới. Người luôn coi trọng vai trò của nhân dân trong quan hệ quốc tế, trong hoạt động ngoại giao vì độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, vì hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc trên thế giới. Tư tưởng của Người về công tác đối ngoại Nhân dân còn dựa vào kinh nghiệm chỉ đạo và hoạt động thực tiễn trong công tác đối ngoại Nhân dân của chính bản thân vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm công tác đối ngoại Nhân dân từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Người cũng đã trực tiếp chỉ đạo và tiến hành động thời công tác ngoại giao của Nhà nước, công tác đối ngoại của Đảng và công tác đối ngoại Nhân dân khi làm Chủ tịch Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch nước Việt Nam độc lập. Nội dung tư tưởng về đối ngoại Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổng kết với 5 nội dung chính như sau:

Thứ nhất là, thêm bạn, bớt thù, đoàn kết nhân dân trong nước gắn liền với đoàn kết nhân dân thế giới vì lợi ích chân chính của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Trong từng giai đoạn cách mạng, Người và Đảng ta đều phân định rõ bạn, thù, bạn gần, bạn xa, bạn nhất thời…để tìm cách giảm bớt kẻ thù, tránh đối phó với hai kẻ thù cùng một lúc, các định kẻ thù chính để tập trung mũi nhọn đấu tranh nhằm giảm tổn thất thấp nhất và đạt kết quả cao nhất.

Thứ hai là, kết hợp ngoại giao Nhà nước với công tác đối ngoại Đảng và đối ngoại Nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Trong quá trình thực hiện, mỗi lĩnh vực công tác đối ngoại (Đảng, Nhà nước, Nhân dân) có đặc thù, thế mạnh riêng, nhưng kết hợp chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho nhau để thực hiện một cách phù hợp, hài hòa đối với từng hoàn cảnh, tình hình và đối tượng cụ thể. Nhờ đó, công tác đối ngoại được thực hiện hiệu quả, đồng bộ và uyển chuyển nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Ở Việt Nam, Đảng ta thống nhất lãnh đạo công tác đối ngoại và Nhà nước đóng vai trò quản lý các hoạt động này; vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh tổng hợp của dân tộc và sức mạnh tổng hợp của ngoại giao, Đảng ta đã lãnh đạo việc tổ chức kết hợp chặt chẽ ngoại giao với quốc phòng và an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật và văn hóa, chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, văn hóa đối ngoại…hợp thành công tác đối ngoại chung.

Thứ ba là, luôn luôn coi trọng, phát huy vai trò và lợi thế của công tác đối ngoại Nhân dân. Người cho rằng quan hệ của nhân dân giữa các quốc gia luôn là cơ sở cho quan hệ ngoại giao chính thống giữa các nước trên thế giới; đây là mối quan hệ bền vững cho dù thái độ chính trị của các quốc gia có thay đổi ở mỗi giai đoạn lịch sử. Vì vậy, công tác đối ngoại Nhân dân có sức mạnh của nhân dân làm hậu thuẫn nên có lợi thế đặc thù để dễ dàng hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ đối ngoại mà đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước khó hoàn thành như khi bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân một số nước; phản đối, lên án những hành động thù địch hoặc không thân thiện đối với nhân dân ta....

Thứ tư là, có nội dung hoạt động phong phú, hình thức đa dạng và linh hoạt đồng thời đa dạng hóa quan hệ đối tác. Nội dung này được thể hiện rõ trong các hoạt động đối ngoại thực tiễn và trong tình hình mới thì tư tưởng Hồ Chí Minh càng cần được vận dụng để đổi mới các hình thức hoạt động tránh lễ nghi, khô cứng, rập khuôn mà phải linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng tiến hành hoạt động. Công tác đối ngoại Nhân dân cần gắn các nội dung hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và vận động viện trợ phi chính phủ để nâng cao hiệu quả.

Thứ năm là, tập hợp lực lượng rộng rãi tham gia hoạt động đối ngoại Nhân dân. Trong tình hình mới, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ ra rằng công tác đối ngoại Nhân dân cần chú ý thu hút, huy động quần chúng tham gia nên các hoạt động đối ngoại Nhân dân cần phải tăng cường triển khai tại cấp cơ sở, nơi tập trung đông đảo nhân dân là đối tượng cũng là chủ thể của công tác này với hình thức hấp dẫn đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng để có sự cuốn hút đông đảo nhân dân tham gia.

Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh và Bí thư tỉnh ủy Vân Nam Lý Kỷ Hằng ký Thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị đảng bộ địa phương trước sự chứng kiến của tổng bí thư hai nước Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình (tại Hà Nội, ngày 05/11/2015)

 

Để vận dụng linh hoạt các nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân phù hợp với từng thời kỳ phát triển và điều kiện thực tiễn của tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã quan tâm nghiên cứu cả về lý luận và hoạt động ngoại giao thực tiễn của Người để áp dụng, từng bước nâng cao hiệu quả và phát huy được những lợi thế của đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Với 182,086 km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, trong đó có 131,654 km đường biên giới sông suối và 50,432km đường biên giới trên bộ khiến hai tỉnh Lào Cai – Vân Nam có núi sông liền dải; quan hệ dân tộc, thân tộc của nhân dân hai bên biên giới trở nên gần gũi, gắn bó với nhiều phong tục, tập quán tương đồng; hai tỉnh lại có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời…đó là những điều kiện thuận lợi để Lào Cai tăng cường các hoạt động đối ngoại nhân dân, cùng với hoạt động đối ngoại Đảng và ngoại giao của chính quyền góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Hội đàm giao lưu hợp tác giữa đoàn đại biểu Tỉnh ủy Lào Cai (Việt Nam) và đoàn đại biểu Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc)

Học tập và làm theo tư tưởng của Người về đối ngoại nhân dân, tỉnh Lào Cai đã sớm xác định Vân Nam là “người bạn láng giềng” có nhiều tiềm năng để mở rộng quan hệ hợp tác. Do đó, Tỉnh ủy Lào Cai mà trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy qua các thời kỳ đã tổ chức các cuộc hội đàm, gặp gỡ với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam để bàn bạc và ký kết các Biên bản với những nội dung định hướng cho việc thiết lập các quan hệ hữu nghị, hợp tác đa lĩnh vực giữa hai tỉnh Lào Cai – Vân Nam. Những nội dung này là cơ sở để các tổ chức đảng, đoàn thể và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện. Đặc biệt, ngày 14/8/2017, đại diện Chính quyền hai tỉnh Lào Cai và Vân Nam đã ký “Thỏa thuận thiết lập quan hệ tỉnh hữu nghị  giữa tỉnh Lào Cai, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tỉnh Vân Nam, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Bản “Thỏa thuận” này đã đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ hữu nghị giữa hai tỉnh và là cơ sở vững chắc để tỉnh Lào Cai triển khai rộng khắp với đa dạng các loại hình hoạt động đối ngoại nhân dân ở các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và tổ chức nhân dân trên địa bàn tỉnh; trong đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai là tổ chức tích cực triển khai công tác đối ngoại nhân dân thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế về nhân đạo với phía Vân Nam – Trung Quốc.

Trên cơ sở kết quả hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc thông qua các hoạt động hợp tác nhân đạo đã đạt được như: hoạt động trao đổi đoàn nhằm chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm tổ chức công tác Hội và phòng trào Chữ thập đỏ; hoạt động vận động ủng hộ khi mỗi bên có thiên tai, thảm họa (trong năm 2018, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động ủng hộ người dân tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc 220.000 USD do bị ảnh hưởng bởi động đất và Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã vận động ủng hộ nhân dân các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam khắc phục hậu quả mưa lũ gần 4 tỷ đồng)….Để từng bước hiện thực hóa nội dung các Biên bản hợp tác đã ký kết giữa Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai và Vân Nam, với vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo và có nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh thực hiện hợp tác quốc tế về hoạt động nhân đạo; Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai đã tranh thủ được sự ủng hộ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đồng thời chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về hình thức hoạt động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vân Nam; qua đó đã làm rõ được những nội dung công tác tương đồng và dự kiến những nội dung hợp tác khả thi giữa Hội Chữ thập đỏ hai tỉnh…Từ đó, tham mưu cho tỉnh xúc tiến các hoạt động đối ngoại nhân dân trong công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ của hai tỉnh.

Theo đó, ngày 08 tháng 8 năm 2018, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai đã đón Đoàn đại biểu Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vân Nam đến Lào Cai hội đàm và ký “Biên bản đẩy mạnh giao lưu hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai - Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vân Nam – Trung Quốc”. Nội dung Biên bản đã thể hiện rõ nguyên tắc, mục tiêu hợp tác theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng,  Điều lệ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nguyên tắc hoạt động của phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế; trong Biên bản, hai Bên cũng cam kết thực hiện nhiều nội dung hợp tác thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế và luật pháp mỗi nước; ngoài ra, cũng trong Biên bản này, các nội dung cam kết thực hiện trách nhiệm trong hợp tác nhân đạo cũng được quy định rõ ràng, là cơ sở để hai Bên thực hiện hiệu quả các nội dung hợp tác trong từng kỳ hạn 3 năm.

Thực hiện Biên bản đã ký, định kỳ, luân phiên hàng năm, Hội Chữ thập đỏ hai tỉnh Lào Cai – Vân Nam đã duy trì tốt chế độ trao đổi đoàn để hội đàm triển khai các nhiệm vụ hợp tác. Hai bên đã phối hợp triển khai Chương trình lắp chân giả cho người khuyết tật. Trong chương trình này, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vân Nam hỗ trợ2 đợt để lắp và luyện tập sử dụng chân giả cho 10 người khuyết tật ở tỉnh Lào Cai; hiện nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai đang tiếp tục khảo sát, hoàn chỉnh thủ tục để tiếp nhận các đợt hỗ trợ tiếp theo từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vân Nam, giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh có cơ hội để vận động, di chuyển thuận lợi bằng chân giả.

Trong khuôn khổ hợp tác nhân đạo đã ký kết, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ thành phố Lào Cai ký kết Chương trình phối hợp với  Hội Chữ thập đỏ huyện Hà Khẩu - Vân Nam, 2 lần/năm luân phiên tổ chức chương trình học tập trao đổi kinh nghiệm trong công tác cứu trợ khẩn cấp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật và vận động hiến máu tình nguyện. Chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ các xã biên giới tham gia thực hiện tốt các hoạt động kết nghĩa “thôn – bản” hai bên biên giới, phối hợp tuyên truyền và thực hiện tốt nội dung Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc, cùng nhau bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm qua biên giới nhằm góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.

 

Hội đàm giao lưu hợp tác giữa Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)

Phát huy thành tích đã đạt được và thực hiện theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng, trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh mở rộng hợp tác quốc tế về hoạt động nhân đạo với các tổ chức quốc tế, địa phương nước ngoài nhằm kêu gọi, vận động nguồn lực phục vụ công tác nhân đạo, đóng góp tích cực trong phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế theo đúng tư tưởng của Bác Hồ kính yêu về công tác đối ngoại nhân dân.

Nguyễn Mai Dung

Nguyễn Mai Dung
1 2 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập