Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đây là cơ hội tốt để Hội nâng cao năng lực, khẳng định vị thế, từng bước tự chủ tiến tới thay đổi phương thức hoạt động từ thụ động sang chủ động theo mô hình của một đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo và hội nhập sâu rộng phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Châu - Ủy viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW tại các cấp Hội Chữ thập đỏ. Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị độc giả.
BBT: Thưa ông, xin ông cho biết kết quả bước đầu thực Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tại các tỉnh, thành đến thời điểm này?
 |
Ông Đặng Minh Châu: Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, một số tỉnh/thành ủy đã tiến hành thực hiện thí điểm việc sắp xếp lại tổ chức và tinh giản biên chế. Hiện có 03/63 tỉnh/thành Hội cắt giảm biên chế và ngân sách hoạt động (Bắc Kạn, Lào Cai, Long An); có 10/63 tỉnh/thành Hội cắt giảm cán bộ chuyên trách cấp xã (Bắc Kạn, Hà Nam, Hải Dương, Kiên Giang, Lai Châu, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Phúc). Có 05/63 tỉnh/thành Hội cắt giảm cán bộ chuyên trách cấp huyện (Gia Lai, Kiên Giang, Lai Châu, Long An, Tây Ninh); 06/63 tỉnh/thành Hội cắt giảm biên chế cấp tỉnh (Bắc Kạn, Gia Lai, Long An, Quảng Ngãi, Tiền Giang). 04/63 tỉnh/thành Hội thực hiện việc cắt chế độ thi tuyển công chức, viên chức đối với cán bộ cấp tỉnh (Đồng Nai, Gia Lai, Long An, Thanh Hóa); có 05/63 tỉnh/thành Hội sáp nhập các tổ chức hội khác vào Hội Chữ thập đỏ (Đắc Lắc, Kiên Giang, Nghệ An, Ninh Bình, Vĩnh Phúc). Hiện có 16/63 tỉnh/thành Hội đang xây dựng kế hoạch sáp nhập và tinh giản biên chế trong giai đoạn 2019-2021, gồm: Bắc Kạn, Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cao Bằng, Đắc Lắc, Kiên Giang, Lai Châu, Lào Cai, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Long. |
BBT: Thưa ông, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, đặc biệt là tại các địa phương, Hội Chữ thập đỏ có thuận lợi và gặp khó khăn, vướng mắc gì?
Ông Đặng Minh Châu: Việc cắt giảm, xóa bỏ biên chế hoàn toàn đối với Hội Chữ thập đỏ các cấp ở một số địa phương, tuy đúng tinh thần Nghị quyết 18 nhưng trong thời gian quá gấp và thiếu sự chỉ đạo cụ thể theo hệ thống từ Trung ương (ví dụ như ở tỉnh Long An) có thể dẫn đến hệ quả là sẽ không đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng với hội chữ thập đỏ các cấp do không còn biên chế giữ các chức danh lãnh đạo Hội do cấp ủy cùng cấp quản lý và phân công, điều động, đặc biệt đối với các cấp Hội địa phương đang được nhận tài trợ từ các tổ chức nhân đạo, quĩ từ thiện quốc tế. Bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ của Hội từ Trung ương đến cơ sở chưa thực sự được kiện toàn để hoạt động theo đúng chỉ đạo của Đảng là “tinh gọn, hiệu quả”. Tổ chức của Hội, nhất là cấp cơ sở nhiều nơi phát triển chưa đồng đều, vững chắc, nhất là ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà ga, bến cảng.
Vai trò nòng cốt, sự phối hợp hoạt động của Hội với các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong công tác nhân đạo, hoạt động chữ thập đỏ chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Hiện trong nước có rất nhiều hội quần chúng hoạt động nhân đạo, từ thiện dẫn đến chồng chéo chức năng, gây khó khăn cho sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước. Nếu không sớm có văn bản chỉ đạo thống nhất của Đảng về vấn đề này, sẽ không giải quyết được những mâu thuẫn, vướng mắc giữa các Hội có nội dung hoạt động tương đồng.
Tổ chức bộ máy cấp Trung ương với cấp tỉnh, giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với các Hội quốc gia trong khu vực và các cơ chế phối hợp với Hiệp Hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và các cơ chế liên quan khác không tương đồng nếu các tỉnh/thành phố sáp nhập Hội Chữ thập đỏ với các hội đặc thù khác như Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Người mù … và đổi tên gọi của tổ chức mới không đúng với quy định của Luật Hoạt động chữ thập đỏ năm 2008, Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên (theo công ước mỗi quốc gia chỉ có duy nhất một Hội Chữ thập đỏ, hoạt động độc lập và là cơ quan bổ trợ cho Chính phủ trong lĩnh vực nhân đạo). Mục đích, tôn chỉ, chức năng, nhiệm vụ của các Hội khác nhau, tiêu chuẩn nhân sự cán bộ Hội khác nhau (ví dụ Hội Chữ thập đỏ cán bộ được bổ nhiệm hoặc ký hợp đồng lao động trong độ tuổi lao động qui định, trong khi các Hội khác thường là cán bộ về hưu, làm việc và hưởng phụ cấp, không hưởng lương) nên khi ghép chung sẽ rất khó bố trí cán bộ để đảm bảo tổ chức mới là một khối thống nhất. Việc ghép các tổ chức Hội khác nhau ở các tỉnh/thành khác nhau cũng gây khó khăn cho Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khi chỉ đạo hệ thống theo ngành dọc, khó giao chỉ tiêu hoạt động cho các cấp Hội khi chức năng, nhiệm vụ, đối tượng hoạt động không tương đồng.
BBT: Trước tình hình các cấp Hội một số địa phương gặp khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Trung ương Hội có hướng dẫn như thế nào đối với các tỉnh, thành Hội để tổ chức thực hiện nhiệm vụ cụ thể theo yêu cầu của thời kỳ mới?
Ông Đặng Minh Châu: Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có văn bản gửi các tỉnh thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND các tỉnh, thành về việc đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương: Chỉ đạo và thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới; Chỉ đạo các sở, ban ngành hướng dẫn hội chữ thập đỏ các cấp xây dựng và trình phê duyệt Đề án vị trí việc làm, đăng ký hoạt động năm để được duyệt và cấp kinh phí phù hợp; Gợi ý các địa phương trong quá trình thực Nghị quyết 18-NQ/TW, nếu phải sáp nhập các hội quần chúng thì giữ nguyên tên Chữ thập đỏ để đảm bảo Luật hoạt động Chữ thập đỏ và tính quốc tế. Ở những địa phương không có cán bộ chữ thập đỏ chuyên trách mà ghép sinh hoạt cùng các tổ chức khác thì đề xuất đồng chí Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch hội chữ thập đỏ để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng.
Trung ương Hội đã kịp thời tổ chức 02 khóa tập huấn cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành Hội phổ biến, quán triệt các nghị quyết của Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ, Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hướng dẫn cách thức và kết quả bước đầu việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW tại Cơ quan Trung ương Hội và hỗ trợ, phối hợp với các tỉnh, thành Hội xây dựng các đề án trình phê duyệt theo Chỉ thị của Thủ tướng.
Gần đây nhất, Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có buổi làm việc báo cáo với đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW. Tại buổi làm việc, Đảng đoàn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trình bày những thuận lợi, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW./.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
BBT